Giải thưởng Hồ Xuân Hương: Giám khảo “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả, dư luận đã phản ứng những bất cập của giải, đặc biệt là hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”: Các thành viên giám khảo chấm cho nhau và nhiều người đạt giải cao. Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Phước - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.
- Từ mùa giải thứ IV cũng có ý kiến cấm các giám khảo dự giải. Nếu áp dụng, các thành viên được đề cử giám khảo có tác phẩm sẽ từ chối tham gia hội đồng, chất lượng hội đồng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn 40 thành viên giám khảo đều là các tác giả tài năng, có uy tín, nếu loại hết tác phẩm của họ thì chất lượng của giải sẽ bị hạn chế. Có người 5 - 10 năm mới có được một tác phẩm, quy định như vậy sẽ rất thiệt thòi cho họ. Sau khi Hội VHNT kiến nghị, UBND tỉnh đã sửa lại, cho phép các giám khảo tham dự giải. Khi xây dựng quy chế giải, Sở VHTTDL đã tham khảo quy chế của một số tỉnh, và họ đều quy định như vậy. Riêng Hà Nội cấm giám khảo tham dự giải, nhưng là giải hằng năm.
Tại sao không nhờ người của trung ương hay tỉnh bạn chấm hộ?
- Ý này cũng đã được đưa ra từ lần giải thứ IV, rằng chúng ta chỉ chấm sơ khảo, còn chung khảo thì nhờ trung ương chấm. Nhưng có nhiều người không đồng tình, trong đó nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc đã phát biểu, đại ý: Tôi không đồng ý. Ở đây cũng có người quen biết họ, họ học cùng lớp, cùng trường, cùng sách, cùng thầy với tôi, họ cũng như tôi.
Quy chế xét giải đã được xây dựng như thế nào để đảm bảo tính khách quan?
- Quy chế nêu rõ giám khảo không được tham gia bàn bạc, trao đổi, chấm tác phẩm của mình và người thân; còn trong thực tế thì cách ly hoàn toàn. Như nhạc sỹ Tiến Dũng có chùm 3 ca khúc, trong đó có 1 tác phẩm phổ thơ của tôi, thì không chỉ anh Dũng mà tôi cũng bị cách ly. Phiếu điểm nào chênh lệch 1,5 điểm so với tổng điểm trung bình là không hợp lệ, không được tham gia tính điểm.
Dư luận phản ánh, nhiều thành viên trong BGK đạt giải cao, liệu có gì bất thường không?
-Tôi nghĩ điều này là bình thường, khách quan vì các văn nghệ sĩ này đều nổi trội, có uy tín về chuyên môn, có những tác phẩm được người trong giới và công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Thực tế có người đạt giải cao nhưng không phải là giám khảo và có giám khảo chỉ đạt giải thấp.
Có đơn thư kiến nghị, khiếu nại về những khuất tất, sai phạm trong quá trình chấm giải hoặc có tác phẩm nào không xứng đáng đạt giải không, thưa bà?
- Đến nay, tôi mới được lãnh đạo UBND tỉnh chuyển đến duy nhất một đơn, phản ánh hai vấn đề. Một là quy chế quy định liên quan đến chùm ảnh, ảnh đơn không rõ ràng. Hai là một số thành viên trong hội đồng sơ khảo chưa đủ tầm, nhưng không nêu rõ là ai. Phản ánh này không có căn cứ, không đúng, vì quy chế về ảnh đơn - chùm ảnh đã rõ ràng, và các thành viên trong hội đồng sơ khảo đều là các ủy viên hội đồng chuyên môn của các chuyên ngành, hoặc được hội đồng này đề cử một số cá nhân có uy tín, là hội viên các chuyên ngành trung ương, có nhiều thành tích như các nghệ sĩ Phạm Tiến Dũng (âm nhạc), Từ Thành (ảnh), Nguyễn Hữu Dỵ (mỹ thuật), NSND Quỳnh Như (múa), Nguyễn Ngọc Ất (sân khấu)...
Hầu như không có đợt xét, trao giải thưởng Hồ Xuân Hương nào không có “sóng gió”, bà nghĩ sao về điều này?
- Việc các văn nghệ sĩ có ý kiến này khác về giải là bình thường. Nói chung các giải VHNT hầu như đều có dư luận trái chiều. Ngay cả tác phẩm đoạt giải Nobel cũng có người không phục. Nhà thơ Lê Quốc Hán - Trưởng Ban thơ nhiệm kỳ 8, từng nói: “Có trao tất cả giải A thì cũng sẽ có người kiện: Tại sao ông kia bằng tôi?” (cười). Tuy nhiên, tôi cho rằng hầu hết văn nghệ sĩ đều đồng tình với kết quả của giải, tôn trọng và ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật của đồng nghiệp.
- Xin cảm ơn bà!
81 tác phẩm đạt giải. Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ V có 87 tác phẩm - cụm tác phẩm vào vòng chung khảo, thuộc 9 chuyên ngành. Có 81 tác phẩm - cụm tác phẩm đạt giải, gồm 8 giải A, 16 giải B, 23 giải C, 34 giải khuyến khích.
Không có nhận xét nào: